Cho đi đừng có nhớ, nhận được chớ có quên

by Sam MKT
Cổ nhân có câu: “Thi huệ vô niệm, thụ ân mạc vong”, nghĩa là làm điều tốt không cần suy tính, mang ơn người đừng bao giờ quên. Cũng có câu: “Tích thủy chi ân, dũng tuyền tương báo”, nghĩa là dù ơn huệ nhỏ như giọt nước thôi cũng không thể xem nhẹ, người biết cảm ân coi ân nghĩa đó như một dòng suối, dòng sông, bởi “một miếng khi đói bằng một gói khi no” vậy.
3 câu nói của cổ nhân dạy bạn cách nhìn thấu người trong thiên hạ
Nếu một người trong lòng không biết cảm kích, không biết ơn những điều người khác làm cho mình, coi mọi việc tốt đẹp mà người khác làm cho mình là tự nhiên, là lẽ thường tình, là nghĩa vụ của người khác thì người ấy rất vô tâm, nói nặng một chút là chỉ biết đến mình. Ngược lại, người biết cảm ân là người có nhân cách tốt đẹp, sống có nghĩa có tình, có trước có sau. Những người như vậy họ cũng thường là người biết nghĩ cho người khác trước khi nghĩ đến mình, chính là người nhân đức.
Trong tiểu thuyết Đông Chu liệt quốc có mô tả chuyện về Ngũ Tử Tư để làm rõ lý niệm về ân nghĩa của người xưa.
Thời Xuân Thu, Ngũ Tử Tư, đại tướng quân của nước Ngô dẫn binh tiến đánh nước Trịnh. Trịnh Định Công của nước Trịnh nói: “Ai có thể khiến Ngũ Tử Tư lui binh, không tiến đánh, ta nhất định sẽ trọng thưởng.” Nhưng đáng tiếc là không một ai nghĩ ra được kế hay.
Đến sáng sớm ngày thứ tư, một anh chàng đánh cá trẻ tuổi tới tìm Trịnh Định Công nói: “Thần có cách có thể khiến Ngũ Tử Tư không tấn công nước Trịnh.” Trịnh Định Công nghe xong, lập tức hỏi chàng trai đánh cá: “Ngươi cần bao nhiêu binh mã và chiến xa?” Chàng đánh cá lắc đầu đáp: “Thần không cần binh sĩ và chiến xa, cũng không cần lương thực. Thần chỉ dùng mái chèo này là đủ.” Nói xong, chàng đánh cá kẹp mái chèo dưới nách, chạy tới doanh trại nước Ngô tìm Ngũ Tử Tư.
Chàng ta vừa hát vừa gõ vào mái chèo: “Người trong bụi lau, hỡi người trong bụi lau; Từng vượt sông, ơn của ai? Bảo kiếm đến, thất tinh hỏi; Trả lại ngài, mang bên thân. Ngài ngày nay, đã đắc ý, còn nhớ chăng, người đánh cá?”
Sự lạ xảy ra, Ngũ Tử Tư tới xem, nhìn thấy mái chèo trên tay chàng trai đánh cá, lập tức hỏi: “Chàng trai, cậu là ai?”
Chàng đánh cá đáp: “Ngài không nhìn thấy mái chèo trên tay tôi hay sao? Cha tôi mưu sinh bằng mái chèo này. Ông còn dùng mái chèo này cứu ngài nữa.”
Xưa kia khi Ngũ Tử Tư chạy nạn, bị khốn ở nước Trịnh, có một người đánh cá đã giấu ông trong bụi lau, cho ăn và giúp ông sang sông. Đây chính là ân cứu mạng.
Ngũ Tử Tư nghe xong bèn nói: “Ta nhớ! Trước kia khi ta chạy nạn, có một người đánh cá đã từng cứu ta. Ta vẫn luôn muốn báo đáp ông ấy! Hóa ra cậu là con trai của ông ấy, sao cậu lại tới đây?”
Chàng đánh cá nói: “Nước Ngô các ngài muốn tới tấn công nước Trịnh chúng tôi, ngay cả kẻ đánh cá như tôi đây cũng đều được triệu tập. Hy vọng Ngũ tướng quân nể tình người cha đã khuất của tôi, đừng tiến đánh nước Trịnh nữa, cũng là để tôi có thể về lĩnh được chút phần thưởng.”
Ngũ Tử Tư cảm kích mà rằng: “Cha cậu đã từng cứu ta, ta mới có thể sống mà làm nên nghiệp lớn. Ta sao có thể quên ân huệ của ông ấy được? Ta nhất định sẽ giúp cậu chuyện này!”
Ngũ Tử Tư nói xong, lập tức dẫn binh sĩ nước Ngô về nước.
Ngũ Tử Tư vì báo đáp ân nghĩa mà có thể lui quân không công phá nước Trịnh. Đoạn tiểu thuyết này đã thể hiện rõ đạo đức tốt đẹp “cảm ân mong báo đáp”. Kỳ thực trong lịch sử không thiếu những chuyện thực tương tự. Tấn Văn Công, một trong ngũ bá thời Xuân Thu, cũng nổi tiếng về việc lùi quân 90 dặm khi giao tranh để trả ân đãi ngộ, khiến người đời cảm phục.
Một vị tướng nổi tiếng trong lịch sử khác là Hàn Tín cũng có cách kiến giải đặc biệt về nhân nghĩa. Sử Ký của Tư Mã Thiên ghi chép rằng bấy giờ Hàn Tín đã vang danh thiên hạ, được phong là vương, nghiêng về Hán hay Sở thì bên đó thắng, liền trở về cố hương.
Đối với người đối xử tốt với ông năm xưa, chính là bà lão từng thương cảm mà tặng đồ ăn suốt 10 ngày liền, Hàn Tín vô cùng cảm kích và khắc ghi, báo đáp nghìn vàng.
Đối với người Đình trưởng từng cho theo ăn uống mấy tháng nhưng lại kiếm cớ đuổi khéo, Hàn Tín cũng không thù oán, mà tặng thưởng trăm tiền.
Còn đối với kẻ đã từng ép ông chịu nhục chui háng, Hàn Tín không những không xử chém, mà còn cho làm Trung úy, nói: “Người này là tráng sĩ. Khi làm nhục ta, ta không thể giết y chăng? Giết y chẳng được danh gì, nên ta nhịn mà được như nay.” (Sử Ký – Hoài m Hầu liệt truyện)
Ngay đối với việc lựa chọn giữa thần phục Lưu Bang hay đứng độc lập để tạo thành thế chân vạc 3 nước, Hàn Tín cũng một mực mềm lòng, không muốn gây bất lợi cho Hán Cao Tổ, vì Lưu Bang đối với ông có ơn tri ngộ.
Có thể thấy Hàn Tín trong lịch sử không chỉ nổi danh vì chữ “Nhẫn”, mà còn rất đặc biệt trong kiến giải về ân nghĩa.
Phùng Mộng thời nhà Minh đã viết trong cuốn “Tỉnh Thế Hằng Ngôn” rằng: “Đại ân vị báo, khắc khắc vu hoài. Hàm hoàn kết thảo, sinh tử bất phụ”, nghĩa là đại ơn chưa báo, thời khắc nhớ ghi, kết vòng bện cỏ, sinh tử chẳng nề hà. Những bậc hiền nhân thời xưa đều dạy người đời sau nên có một tấm lòng biết ơn. Bởi lẽ nếu không có lòng biết ơn, con người sẽ trở nên ích kỷ, hẹp hòi, chỉ biết đòi hỏi, chiếm lợi riêng, mà sự ích kỷ cuối cùng lại làm hại chính bản thân mình. Nếu ai nấy đều chất chứa lòng biết ơn, thì con cái sẽ hiếu thuận với cha mẹ, học trò sẽ tôn kính thầy, bạn bè sẽ yêu thương, tương trợ lẫn nhau, các mối quan hệ khác cũng trở nên hòa hợp. Như vậy người người trong xã hội đều có thể cùng chung sống trong cảnh yên bình.
Người biết cảm ân bề trên, biết ơn đấng sinh thành, biết ơn vạn vật, là người thấu hiểu đạo lý của tự nhiên, đạo lý làm người. Người như vậy biết trân quý sinh mệnh, sống thuận theo tự nhiên, phù hợp với đạo, là người trí tuệ, nên cuộc đời của người ấy tự nhiên cũng thông thuận, may mắn. Đó cũng chính là phúc báo của lòng biết ơn!
Thiên Cầm tổng hợp.

Related Posts

Leave a Comment